Giá dầu giảm ảnh hưởng khác nhau tới mỗi nền kinh tế châu Á

Giá dầu đã giảm mạnh từ 115 USD/thùng tháng 6/2014 xuống khoảng 50 – 60 USD/thùng hiện nay, bởi nhu cầu yếu trên toàn cầu và OPEC quyết định duy trì sản lượng ở mức khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày.

giá dầu thô giảm mạnh từ tháng 6/2014 đến nay
Thái Lan là quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ, với trị giá nhập khẩu năm 2014 lên tới 32 tỷ USD, theo số liệu của Trade Map. Giá dầu thấp đã có tác động tích cực tới nền kinh tế Thái Lan. Những ngành như bán buôn/bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, và điện tử đều hưởng lợi từ việc tiêu thụ gia tăng, trong khi lĩnh vực hậu cần được hưởng lợi lớn từ chi phí nhiên liệu rẻ. Tuy nhiên, một số lĩnh vực cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ví dụ lĩnh vực thăm dò và sản xuất dầu bị thiệt hại bởi giá thấp và thu nhập giảm, lĩnh vực khách sạn cũng bị thu nhập giảm sút do du khách đến từ Nga ít đi, và ngành sản xuất ô tô chứng kiến nhu cầu giảm từ các khách hàng Trung Đông. Lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng từ giá dầu giảm khi giá cao su và đường sụt giảm – do phải cạnh tranh với cao su tổng hợp giá biến động theo dầu mỏ, và sản lượng đường tăng ở Brazil do sản xuất ethanol giảm khiến đường của Thái Lan khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.
Ở châu Á, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu rẻ chắc chắn là Nhật Bản. Nhật là nước nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu lớn trên thế giới và trong khu vực, với trị giá nhập khẩu lên tới 201 tỷ USD trong năm 2014 – tương đương 4% GDP. Lĩnh vực sản xuất của Nhật đã tăng trưởng đáng kể nhờ chi phí nguyên liệu và điện rẻ đi. Đó là các công ty hoạt động trong các ngành sản xuất thép, lốp xe, kính và giấy. Ví dụ, chi phí điện chiếm 5-20% trong tổng doanh số của lĩnh vực thép, như vậy lợi nhuận của ngành thép từ giá dầu rẻ là rất lớn. Song không phải mọi ngành kinh doanh của Nhật đều vui mừng khi giá dầu rẻ.
Một phần tư xuất khẩu ô tô của Nhật sang các nước xuất khẩu dầu và các hàng hóa khác – trong đó có Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Nga và Australia, những nơi nhu cầu mua ô tô đang sụt giảm. Tuy nhiên, ảnh hưởng này được bù đắp phần nào bởi nhu cầu tăng từ Mỹ – nơi chiếm 40% xuất khẩu ô tô của Nhật. Về các quốc gia châu Á khác, Malaysia và Indonesia cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu rẻ. Kinh tế Malaysia vốn phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng và nhiên liệu, với nhập khẩu dầu năm 2014 lên tới 16 tỷ USD. Xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm 8% GDP của quốc gia này.
Giá dầu giảm dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân tài khoản vãng lai và tiền tệ của Malaysia. Chính phủ Malaysia cũng phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu liên quan tới dầu, trong đó công ty dầu khí quốc doanh Petronas, thuế tài nguyên và các thuế khác chiếm 30% tổng thu của Chính phủ.
Ngoài ra, Malaysia còn có những ngành có mối liên hệ lớn tới thị trường dầu mỏ, như dầu cọ và cao su chiếm gần 30% tổng sản lượng thế giới. Giá dầu cọ và cao su giảm sẽ khiến nhu cầu trong nước yếu đi. Indonesia là nước nhập ròng dầu mỏ, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu một số hàng hóa như than đá, dầu cọ và cao su – chiếm 60% tổng GDP. Khi giá dầu giảm thì giá những hàng hóa này cũng giảm theo, khiến nguồn cung nội địa tăng lên và ảnh hưởng tới kinh tế chung.
Thu nhập từ những hàng hóa này sụt giảm cũng ảnh hưởng xấu tới cán cân tài khoản vãng lai và mức tiêu thụ của Indonesia, nhất là ở các khu vực nông thôn, nơi sản xuất chủ yếu là dầu cọ và cao su. Có thể chỉ có ngành than đá của Indonesia là được hưởng lợi. Đây là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này. Nhiên liệu chiếm 20% chi phí hoạt động của ngành này, và việc giá dầu giảm sẽ làm giảm chi phí sản xuất than đá.
Nhu cầu yếu đi ở Malaysia và Indonesia sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của Thái Lan sang những quốc gia này. Các ngành ô tô, máy móc, đồ điện tử và nhựa chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi Indnesia và Malaysia là 2 thị trường chủ chốt, với xuất khẩu năm 2014 lên tới 12 tỷ USD. Các công ty Thái Lan cung cấp chủ yếu cho 2 thị trường này sẽ phải tìm cách mở rộng xuất khẩu sang các nước nhập khẩu ròng dầu mỏ để duy trì sản xuất. Vân Chi Theo Trí thức trẻ/Bangkokpost
TỪ KHÓA

Call Now Button